Nói là làng nghề nhưng thực ra, hiện nay nó là phố Ngũ Xã thuộc quận Ba Đình, Hà Nội. Làng đúc đồng Ngũ Xã có tuổi đời khoảng 500 năm và là một trong những làng nghề đúc đồng nổi tiếng của Việt Nam. Chúng ta cùng tìm hiểu một số thông tin về lịch sử ra đời, hiện trạng sản phẩm hiện nay của làng nghề Ngũ Xã nhé.
Ngũ Xã hay Ngũ Xá?
Trước tiên, phải nói rõ, một số người thường hay nhầm tên của làng nghề này là Ngũ Xá là sai. Thực tế, tên gọi đúng của làng nghề là Ngũ Xã, có nghĩa là Năm (5) Xã.
Theo nhiều tài liệu lịch sử ghi lại thì khoảng thế kỷ 17 – 18 đời Lê, một số thợ đúc đồng ở năm xã của huyện Siêu Loại (nay là Thuận Thành, Bắc Ninh) và huyện Văn Lâm, Hưng Yên là xã Đông Mai, Châu Mỹ, Lộng Thượng, Đào Viên và Điện Tiền có tên Nôm là làng Hè, làng Me, làng Giồng, làng Dí trên và làng Dí dưới kéo về đây mở lò đúc đồng, gọi là Tràng Ngũ Xã (có nghĩa là trường đúc của năm xã).
Tuy nhiên cũng có tài liệu khác nói đây là nơi tập hợp của các thợ đúc đồng của năm xã của tổng Đề Cầu: An Nhuệ, Kim Tháp, Lê Xá, Thư Đôi và Đề Cầu.
Tựu chung lại cái tên Ngũ Xã là ý nói đến nơi quy tụ của những người thợ đúc đồng của năm xã khác nhau đến đây mở lò đúc đồng.
Làng Đúc Đồng Ngũ Xã
Trước đây, khi nói đến Ngũ Xã hay thường đọc nhầm thành Ngũ Xá, người ta biết ngay đến một làng nghề đúc đồng truyền thống với nhiều sản phẩm đúc tinh xảo và kích thước lớn. Điểm đặc biệt nhất trong sản phẩm của làng đúc đồng Ngũ Xã là kỹ thuật đúc liền khối, kể cả với những sản phẩm lớn và rất lớn. Tiêu biểu trong số đó là bức tượng Phật A Di Đà tại chính chùa Ngũ Xã.
Thời nay, có lẽ khi nhắc đến Ngũ Xã, người ta sẽ biết nhiều hơn nếu nhắc đến Phở Cuốn Ngũ Xã. Ít ai biết được làng đúc đồng Ngũ Xã mới là làng nghề truyền thống lâu đời hơn. Ngũ Xã nổi tiếng từ lâu với nghề đúc đồng. Rất nhiều những pho tượng và đồ thờ bằng đồng của khá nhiều ngôi chùa, đình ở Việt Nam được đúc bởi những người thợ của làng đúc đồng Ngũ Xã.
Trong số đó, nổi tiếng nhất có lẽ là pho tượng Phật A Di Đà ở chùa Thần Quang nằm ngay tại làng Ngũ Xã. Pho tượng cao 3,95 m, khoảng cách giữa hai đầu gối là 3,60 m. Đây được xem là pho tượng đức Phật A Di Đà bằng đồng đầu tiên ở Việt Nam. Pho tượng Phật A Di Đà ở chùa Thần Quang cũng là pho tượng bằng đồng có khối lượng lớn thứ 2 Việt Nam. Bức tượng Phật bằng đồng có khối lượng lớn nhất Việt Nam thuộc về bức Đức Phật tổ Như Lai ở chùa Non Nước – Sóc Sơn, Hà Nội. Bức tượng này được đúc bởi nhóm nghệ nhân và thợ, đứng đầu là nghệ nhân Vũ Văn Thuấn của làng nghề đúc đồng Ý Yên, Nam Định.
Ngoài ra còn phải kể đến một số tác phẩm nổi tiếng khác được làm bởi những người thợ làng đúc đồng Ngũ Xã như:
- Tượng Trấn Vũ bằng đồng đen ở đền Quán Thánh đúc năm 1677
- Chuông chùa Một Cột cũng được nhiều tài liệu ghi nhận là sản phẩm của các nghệ nhân đúc đồng Ngũ Xã.
Tuy nhiên, nếu các bạn đến thăm Ngũ Xã hiện nay thì có lẽ các bạn sẽ tìm thấy nhiều quán phở cuốn hơn là các xưởng đúc đồng. Một phần sự mai một và biến mất dần của làng nghề đúc đồng Ngũ Xã có lẽ do chính … vị trí địa lý của ngôi làng này.
Như chúng ta đã biết thì làng đúc đồng Ngũ Xã hiện nay là phố Ngũ Xã, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội. Như thế hẳn các bạn cũng hiểu sẽ rất khó cho làng này có thể phát triển mạnh nghề truyền thống đúc đồng.
Do nằm ở quận trung tâm hành chính của thủ đô, nên từ cuối thể kỷ 20, do quá trình đô thị hóa, nghề đúc đồng truyền thống ở Ngũ Xã được thu hẹp và thay thế bằng những dịch vụ ẩm thực. Đấy là thời điểm xuất hiện của món ăn nổi tiếng mà các bạn thường nghe khi nhắc đến Ngũ Xã: Phở cuốn Ngũ Xã.
Hiện ở đây có chùa Ngũ Xã (tên chữ là Thần Quang Tự hay Phúc Long Tự, xây thế kỷ 18, thờ Phật và ông tổ nghề Đúc đồng Nguyễn Minh Không nên lấy tên Thần Quang theo chùa chính thờ ông này ở Nam Định (tức chùa Cổ Lễ) và đền Ngũ Xã thờ Mẫu
Phở Cuốn Ngũ Xã
Nói đến Ngũ Xã, người ta sẽ có thể nhắc ngay đến món phở cuốn Ngũ Xã. Mặc dù mình có thể cam đoan rất ít người biết là món phở cuốn Ngũ Xã mới chỉ có tuổi đời khoảng … gần 20 năm. Trong khi nếu nói truyền trống thì làng đúc đồng Ngũ Xã có tuổi đời cũng ngót nghét … 500 năm.
Món Phở Cuốn Ngũ Xã xuất hiện lần đầu vào khoảng những năm 2001 – 2002. Ý tưởng ban đầu được cho là của một người chủ quán phở tên Việt ở ngã tư phố Ngũ Xã và Nguyễn Khắc Hiếu. Anh lấy bánh phở cuốn với thịt bò và chấm nước mắm. Một số khách hàng được thử thấy ngon miệng và phản hồi tốt.
Sau đó dần dần anh thấy được khách hàng ưa chuộng nên cải tiến dần món này để thêm rau sống, thêm chuối hoặc một số loại rau rủ quả khác. Đến khoảng những năm 2004-2005 thì món phở cuốn Ngũ Xã nổi lên như một món ăn cực kỳ hot. Nó hot đến nỗi các khách du lịch khi đến Hà Nội đều muốn phải được thử món phở cuốn này.
Sau khi nổi tiếng thì rất nhiều quán phở khác cũng học theo và làm phở cuốn bán cho khách. Cả một khu phố làm và bán phở cuốn nên người ta lấy luôn khu phố làm tên của món phở gọi là Phở Cuốn Ngũ Xã.
Làng Ngũ Xã Ngày Nay
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nghề đúc đồng Ngũ Xã cũng có lúc thịnh, lúc suy. Các sản phẩm đúc đồng của Ngũ Xã nổi tiếng khắp các vùng trong cả nước. Vào những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn khiến người dân Ngũ Xã làm nghề một cách ăn đong, nhà nào làm nhà đấy theo kiểu “sáng sửa cưa, trưa mài đục”, nên thợ đúc rất nghèo.
Chỉ đến năm 1952, khi Thượng tọa Thích Vĩnh Tường, Trụ trì chùa Ngũ Xã bấy giờ chủ trương đúc một pho tượng lớn Phật Di Đà, cần trưng dụng tất cả thợ giỏi trong làng, thì làng nghề mới nhộn nhịp. Sau khi đúc pho tượng, làng Ngũ Xã lại trở về không khí trầm lắng.
Năm 1954, giải phóng thủ đô Hà Nội, nghề đúc chỉ còn lại chút dư âm vì chuyện thờ cúng bắt đầu bước sang giai đoạn mới, mọi người không mua nhiều đồ thờ như trước nữa.
Mặt khác, đất nước đang có chiến tranh, nguyên liệu đồng rất cần thiết cho quốc phòng nên Nhà nước quản lý chặt chẽ, không cho buôn bán tự do bên ngoài. Không có nguyên liệu, lại ít người mua, người thợ Ngũ Xã không thể tiếp tục làm nghề. Để đảm bảo cuộc sống, họ phải chuyển sang công việc khác. Nghề đúc đồng Ngũ Xã cứ thế mai một dần.
Cho đến hiện nay làng Ngũ Xã đã không còn là làng đúc đồng Ngũ Xã nữa. Theo thông tin mới nhất yyen.net có được thì hiện tại (năm 2025 ) ở Ngũ Xã chỉ còn 2 gia đình đúc đồng truyền thống còn đang sản xuất các mặt hàng đồ đồng.